Đông Triều chăm lo cho y tế tuyến cơ sở

                               Trạm Y tế phường Đức Chính (ảnh trái) và Trạm Y tế phường Xuân Sơn (ảnh phải) 

                  đều là những công trình được đầu tư, nâng cấp chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa.

Cả 2 trạm y tế này đều sở hữu mặt bằng rộng rãi, thuận lợi về giao thông. Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Y tế phường Đức Chính, cho biết: Trạm đi vào hoạt động từ tháng 1/2017. Cơ sở vật chất mới giúp đơn vị có điều kiện tổ chức được Trung tâm Y học cổ truyền là mô hình điểm của thị xã. Trạm hiện có 16 phòng chức năng, đảm bảo phục vụ cho công tác chuyên môn với diện tích sử dụng khoảng 2.000m2 trên tổng diện tích 4.400m2, rộng rãi hơn nhiều so với trạm cũ.

Cùng với đó, nhiều trạm y tế trên địa bàn cũng đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khang trang từ nhiều nguồn vốn khác nhau trong những năm qua. Tiêu biểu cho công tác xã hội hóa tu sửa, đầu tư các trang thiết bị là Trạm Y tế phường Xuân Sơn. Đến nay, đây cũng là trạm y tế xã hiếm hoi của Đông Triều được thị xã phân tuyến cho thực hiện kỹ thuật siêu âm, nội soi tai – mũi – họng vì đáp ứng đủ cả về cơ sở vật chất cũng như nhân lực. Gần đây, khi trạm y tế cấp xã chuyển về UBND thị xã quản lý, TX Đông Triều đã có lộ trình xây mới, sửa chữa các trạm y tế đến năm 2020 để đảm bảo theo quy định tại Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Phòng Y tế thị xã đã tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp 12 trạm y tế xã, phường với kinh phí trên 5 tỷ đồng; Trạm Y tế xã Bình Khê, phường Hưng Đạo đã và đang được xây mới với kinh phí trên 4 tỷ đồng/đơn vị.

                                                           

             Trạm Y tế phường Xuân Sơn được thị xã phân tuyến cho thực hiện kỹ thuật siêu âm,

                     nội soi tai – mũi – họng vì đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực.

Theo báo cáo của địa phương, từ đầu năm đến nay, 21/21 trạm y tế xã, phường trên địa bàn đã được trang bị chăn, ga, gối, đệm tại các phòng. Đồng thời mua sắm, trang bị thêm bàn làm việc, tủ tài liệu hồ sơ cấp cho một số trạm còn thiếu. Khuôn viên các trạm y tế cơ bản được chỉnh trang sáng, sạch, đẹp hơn. Việc quản lý, sử dụng các tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, cơ sở vật chất đảm bảo không thất thoát. Thuốc, hóa chất, vật tư luôn được sử dụng đúng mục đích, quy định…

Hiện nay, 100% trạm y tế có từ 2-4 máy tính và được nối mạng internet, có hòm thư điện tử; trên 95% số viên chức sử dụng thành thạo và biết ứng dụng CNTT trong công tác. Việc sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh đã được củng cố, nâng cấp, các dữ liệu đã đảm bảo độ chính xác, kịp thời. 21/21 trạm y tế xã có vườn thuốc nam với diện tích từ 60-80m2, một số vườn đã được kiện toàn cả về hình thức lẫn số lượng cây thuốc. Hoạt động khám, chữa bệnh được các y, bác sĩ luôn quan tâm, tích cực học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao trình độ, áp dụng KHKT, thực hiện đúng các quy định, không có tai biến do sai sót về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ chu đáo, tận tình. Cả 21 xã, phường hiện đều duy trì đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020. Kết quả này đã góp phần tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương.

      

                Việc đầu tư xây mới giúp Trạm Y tế phường Đức Chính thực hiện tốt hơn công tác 

          chuyên môn và có điều kiện tổ chức Trung tâm Y học cổ truyền là mô hình điểm của thị xã.

Về nhân lực, hiện 19/21 trạm y tế trên địa bàn có bác sĩ làm việc với tổng số bác sĩ là 21, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Từ ngày 1/7/2018, trạm y tế xã, phường tiếp nhận 21 viên chức DS-KHHGĐ trực tiếp làm việc tại đây. Bác sĩ Cao Xuân Hồng, Trưởng Trạm Y tế phường Xuân Sơn, nhận định: “Viên chức dân số về trạm y tế có mấy cái lợi. Đó là góp phần tăng cường nhân lực cho cơ sở, nhất là trong những ngày cao điểm như tiêm chủng chẳng hạn. Liên quan đến chuyên môn cũng thuận vì thống nhất về con số thống kê, trước đây con số sinh con thứ 3 chẳng hạn rất dễ vênh giữa dân số và y tế vì 2 đầu mối khác nhau…

Theo đánh giá của Phòng Y tế thị xã, bác sĩ tại các trạm y tế xã, phường hiện nay cơ bản đủ so với yêu cầu, song về năng lực chuyên môn, quản lý chưa cao, còn thiếu các điều kiện theo quy định, như: Chưa phải là đảng viên, thiếu chứng chỉ hành nghề, đặc biệt là chứng chỉ hành nghề chuyên khoa. Do vậy, khó khăn cho việc quy hoạch bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ.

                               

  Các trạm y tế xã, phường của Đông Triều hiện đều có vườn thuốc nam với diện tích từ 60 đến 

                                                                           80m2.

Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị như nhà cửa, phòng làm việc một số đơn vị còn thiếu, xuống cấp; trạm y tế xã Nguyễn Huệ, Hoàng Quế, Bình Dương cần sớm được đầu tư xây dựng mới. Việc sử dụng phần mềm trong quản lý khám, chữa bệnh và tiêm chủng mở rộng ở một số đơn vị chưa thật thành thạo. Một số trạm y tế chưa thường xuyên làm tốt công tác chỉnh trang, công tác vệ sinh còn ít. Vườn thuốc nam chưa thường xuyên được chăm sóc, trồng mới cây thuốc. Việc sắp xếp dụng cụ trang thiết bị, phòng làm việc, phòng chức năng, nhà kho, nhà bếp chưa khoa học. Một số trạm y tế ít quan tâm đến hệ thống xử lý chất thải lỏng, còn phải nhắc nhở nhiều…

                                                                              

– http://www.baoquangninh.com.vn