Hiện nay, các bệnh lý với nam giới được phát hiện ở giai đoạn nặng phổ biến hơn ở nữ giới bởi lẽ so với nữ giới thì nam giới thường ít chú ý đến các bất thường về sức khỏe của mình hơn. Việc nam giới bị đau bụng, cụ thể đau tức bụng dưới cũng là triệu chứng rất phổ biến vì vậy rất ít người chú ý đến nó.
Tuy nhiên tình trạng căng tức bụng dưới ở nam giới có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Vậy Căng tức bụng dưới ở nam giới có nguy hiểm không? Nguyên nhân và giải pháp là gì? Hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Căng tức bụng dưới ở nam giới là gì?
Căng tức bụng dưới ở nam là hiện tượng đau ở vùng bụng tính từ rốn đi xuống bao gồm các cơ quan như: đại tràng sigma, manh tràng, trực tràng, ruột thừa niệu quản, bàng quang. Cơn đau có thể xuất phát từ những cơ quan trong vùng bụng dưới hoặc cũng có thể do từ các bộ phận khác tác động xuống vùng bụng dưới. Đây là khu vực gồm rất nhiều cơ quan, do đó rất khó để biết chính xác nguyên nhân tại sao. Chính vì vậy, khi đi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả cảm giác đau, vị trí đau, thời gian và mức độ cơn đau. Đồng thời, xem xét các triệu chứng đi kèm theo như tiêu chảy, nôn mửa, các triệu chứng về tiết niệu… để có thể xác định nguyên nhân cụ thể.
Nguyên nhân gây ra tình trạng căng tức bụng dưới ở nam giới
Tùy vào tình trạng của cơn đau để xác định nguyên nhân gây căng tức bụng dưới ở nam giới. Đối với những cơn đau căng tức nhẹ tạm thời và không gây khó chịu nhiều có thể do một số nguyên nhân liên quan đến thói quen sinh hoạt ví dụ: Chướng bụng, đầy hơi do ăn quá nhiều khiến hệ tiêu hóa làm việc quá sức; Căng thẳng, lo lắng thường xuyên khiến dạ dày bị co thắt, tạo cảm giác đau, khó chịu; Tập thể dục ngay sau khi ăn no; Tập các bài tập gây căng cơ bụng… Đối với các cơn đau vừa hoặc kéo dài thì bạn nên lưu ý vì có thể đây là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm.
Nếu thủ phạm gây căng đau tức bụng dưới ở nam giới là do những nguyên nhân kể trên thì bạn có thể khắc phục dễ dàng bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, tập luyện. Chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, uống nhiều nước và ăn chậm nhai kỹ để ít bị đau bụng dưới.
Căng tức bụng dưới ở nam giới là biểu hiện bệnh lý nào?
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa (hay viêm áp-pê-xít) là tình trạng viêm nhiễm của ruột thừa – một phần của ruột già nằm ở phần dưới bên phải của bụng. Triệu chứng nổi bật của bệnh lý này là đau tức phần dưới bên phải của bụng.
Căng tức bụng dưới ở nam giới cũng có thể là do viêm ruột thừa. Ở giai đoạn đầu, cơn đau do viêm ruột thừa có thể xảy ra ở xung quanh rốn, sau đó dần chuyển sang đau bụng dưới bên phải ở nam giới gây đau. Cơn đau có thể trở nên dữ dội hơn trong 24 giờ và khi vận động. Cơn đau có thể có xu hướng ngày càng dữ dội kết hợp với các triệu chứng như: sốt, chán ăn, mệt mỏi. Bệnh cần được phát hiện để điều trị ngay nếu không sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh viêm niêm mạc của đại tràng. Bệnh thường rơi vào độ tuổi từ 15 – 35 tuổi, giảm dần sau 50 tuổi. Viêm đại tràng thường bắt nguồn từ chính vi khuẩn trong đường ruột. Mỗi vị trí bị viêm sẽ phản ánh vị trí đau khác nhau, tính chất cơn đau cũng rất đa dạng, có thể đau quặn thắt dữ dội hoặc đau âm ỉ liên tục. Ngoài ra, có các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, chướng bụng, khó tiêu, mệt mỏi…
Các bệnh lý từ đường tiết niệu
Triệu chứng bị đau bụng dưới ở nam có thể kể tới nguyên nhân từ đường tiết niệu:
– Nhiễm trùng đường tiết niệu hay UTI – Urinary tract infection do vi khuẩn đi vào từ con đường niệu đạo tới bàng quang. Triệu chứng kèm theo cơn đau rất đa dạng, như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều, nước tiểu đục mủ…
– Sỏi tiết niệu: Sỏi có thể hình thành và xuất hiện ở bất cứ đoạn nào ở đường tiết niệu nhưng nếu bị đau bụng dưới ở nam, có thể là sỏi bàng quang, sỏi tuyến tiền liệt hoặc sỏi kẹt tại đoạn niệu quản dưới. Biểu hiện với cơn đau bụng dưới kèm tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu đục, sẫm màu…
Viêm cầu thận hoặc sỏi thận
Viêm cầu thận là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau tức bụng dưới bên trái nam giới. Nó xảy ra khi tiểu cầu thận và các mạch máu trong thận bị tổn thương gây viêm nhiễm. Không chỉ gây đau bụng dưới, viêm cầu thận còn khiến người bệnh bị tăng huyết áp, sốt cao, phù, thiếu máu. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng suy thận, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Đối với bệnh sỏi thận, khi lượng nước tiểu giảm hoặc nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng sỏi thận, gây đau nhức ở vùng bụng dưới, dọc theo niệu quản, vùng lưng và háng.Cơn đau thường xuất hiện đột ngột và đau dữ dội do cơ thể đang cố gắng đẩy sỏi ra ngoài theo đường nước tiểu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có các triệu chứng như tiểu rắt, tiểu són, tiểu ra máu, đau khi đi tiểu, bệnh thường diễn biến âm thầm, đến khi cơn đau nặng hơn thì khả năng cao viên sỏi đã hình thành với kích thước lớn.
Mỗi bệnh lý sẽ đi kèm các triệu trứng cụ thể khác nhau cùng với việc bị căng đau tức bụng dưới thì nam giới nên theo dõi thật kỹ về các biểu hiện khác và vùng bị đau để xác định chính xác bệnh lý mình đang mắc phải.
Giải pháp nên làm khi nam giới bị căng tức bụng dưới
Trong trường hợp đau bụng dưới với cơn đau nhẹ, thoáng qua, đau chỉ vài phút, không kèm triệu chứng bất thường thì bạn không cần quá lo lắng, chỉ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt sẽ giúp cơn đau giảm bớt. Trong trường hợp cơn đau kéo dài vài ngày, thì nên đi thăm khám sớm, tùy vào nguyên nhân gây đau bụng dưới là gì mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho phù hợp.
Bạn có thể áp dụng các phương pháp được tổng hợp dưới đây giúp làm giảm cơn đau tức bụng dưới:
– Chườm ấm là cách giảm đau bụng dưới hiệu quả và nhanh chóng. Nhiệt độ ấm khiến các cơ vùng bụng giãn và thả lỏng.
– Xoa bóp vùng bụng nhẹ nhàng: Nằm ngửa và xoa bóp bụng nhẹ nhàng giúp giảm bớt cơn đau. Động tác cơ bản đó là hơ ấm bàn tay, lấy rốn làm trung tâm, xoa đều nhẹ nhàng quanh rốn khoảng vài phút.
– Trà gừng: Gừng có tính ấm hỗ trợ lưu thông tuần hoàn, xoa dịu cơn đau bụng dưới. Ngoài ra, trà gừng kích thích tiết dịch vị và chống viêm hiệu quả, giúp làm giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng như hỗ trợ điều trị viêm ruột, viêm đại tràng.
– Uống thuốc giảm đau: Nếu bạn có đủ thông tin cần thiết về liều lượng cần dùng và tác dụng của thuốc, thuốc giảm đau không kê đơn sẽ giúp làm giảm cơn đau bụng dưới hiệu quả. Một số loại thuốc phổ biến như paracetamol, thuốc giảm co thắt cơ trơn, thuốc kháng acid. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần sự tư vấn và hướng dẫn của dược sĩ và bác sĩ, đặc biệt về liều lượng, tác dụng và tác dụng phụ không mong muốn.
Trên đây là một số thông tin giải đáp thắc mắc của các bạn nam về câu hỏi Căng tức bụng dưới ở nam giới có nguy hiểm không? Cũng như đưa ra những nguyên nhân dẫn đến các cơn đau tức bụng và biểu hiện kèm theo của các bệnh lý để các bạn nam theo dõi phát hiện kịp thời. Bên cạnh đó bài viết cũng nêu ra một số gợi ý về giải pháp khắc phục tạm thời khi bạn nam gặp phải tình trạng căng tức bụng dưới. Tuy nhiên tất cả thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, nếu có biểu hiện nặng hơn hoặc kéo dài thì bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn phương án điều trị kịp thời.